Những côn trùng chuyên gây hại cho hoa lan

Một số sinh vật gây hại có thể tấn công cây hoa lan nhưng chúng sẽ không gây ảnh hưởng gì đáng kể nếu được xử lý thích hợp ngay khi chúng bị phát hiện lần đầu tiên. Việc làm sạch vườn ươm và nhà kính trồng lan rất cần thiết, những vật dụng, rác rến có khả năng là nơi trú ẩn của những sinh vật gây hại cần được dọn sạch. Nên làm sạch giá thể, các chậu trồng lan và nên mua những cây lan sạch sinh vật gây hại. Luôn luôn sử dụng chế phẩm diệt côn trùng dành riêng cho hoa lan của các nhà sản xuất có uy tín.

 Rệp vừng

 Rệp vừng thường được biết là “ruồi xanh”, một loại côn trùng hút nhựa cây nguy hiểm nếu không kiểm soát được sẽ nhanh chóng lan rộng. Chúng thường tụ tập xung quanh mô mềm của chồi, đặc biệt là các đỉnh chồi, phần đốt thân và phần dưới lá, chúng hút nhựa và tạo ra những vùng nhạt màu trên lá.
Rệp vừng gây hại trên hoa lan

Rệp vừng có màu xanh, tròn trĩnh và có cánh mềm nhỏ. Chúng không những hút nhựa, lây nhiễm các loại virus từ một cây đến cây khác mà còn tiết dịch ngọt thu hút mốc đen. Rệp vừng có thể kiểm soát bởi các loại thuốc diệt côn trùng nội hấp được hút vào bên trong mô cây và diệt các loại côn trùng hút nhựa cây.

 Sự sinh sản của rệp vừng

 Rệp vừng là côn trùng gây hại rất phổ biến trong cây trồng, đặc biệt là những nơi cây được trồng tập trung với số lượng lớn và có nhiều chồi non căng mọng dinh dưỡng trong mùa xuân và mùa hè. Cũng như các loại côn trùng khác, chúng chỉ có hai mục đích sống duy nhất là sinh sản và ăn. Khi không gặp điều kiện bất lợi cũng như không gặp phải những biện pháp xử lý của con người, chúng trở thành một vấn đề nghiêm trọng và có khả năng sinh sản với tốc độ đáng báo động.

 Nhện đỏ

 Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, có tám chân và có hình dáng rất giống loại nhện thông thường. Chúng có màu hơi nâu đỏ hay màu vàng rơm và chủ yếu phá hoại mặt dưới lá gây ra hiện tượng những đốm vàng ở mặt trên của lá. Nếu bị gây hại nghiêm trọng, lá trở nên cực kỳ xấu xí và sẽ rụng đi xuống dưới gốc cây. Nếu không chú ý dọn dẹp và xử lý những lá này, những sinh vật này sẽ làm tổ ở giữa những thân lá khô này.

Nhện đỏ gây hại hoa lan
Loài nhện đỏ rất ưa thích thời tiết khô và chúng đặc biệt nguy hiểm đối với các cây thiếu nước với giá thể bị khô lâu ngày liên tục. Thông thường, biện pháp phun sương trên lá với nước sạch có thể tránh được sự gây hại của nhện đỏ, trong khi đó nếu sử dụng thuốc diệt côn trùng nội hấp có thể diệt được chúng. Tuy nhiên, một khi đã xuất hiện chúng rất khó bị tiêu diệt tận gốc.

 Các loại ve

 Những con ve với tám chân có quan hệ gần gũi với loài nhện so với các côn trùng chỉ có sáu chân. Vật chủ của những sinh vật này rất rộng, ngoài việc gây hại trên cây, chúng còn ký sinh trên chó và các động vật khác.

 Nhện giả 

 Trong những năm gần đây nhện giả trở thành một vấn đề gây phiền hà rất nhiều đối với những người trồng lan, đặc biệt là giống Phalaenopsis. Chúng gây ra những vết lõm ở mặt trên của lá, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, cây sẽ dễ dàng nhiễm bệnh do sự xuất hiện của nấm từ những vết lõm đó. Mặc dù loài gây hại nguy hiểm này có thể kiểm soát được, tuy nhiên chúng vẫn để lại hậu quả là những vết lõm trên lá không phục hồi lại được làm bộ lá của cây trông rất khó coi.

 Rệp bông (rệp sáp)

 Rệp bông có kích thước nhỏ, được bao bọc một lớp màu trắng như bông, có lông tơ xung quanh cơ thể, di chuyển chậm và thường tụ tập một chỗ. Chúng thường tụ tập quanh thân, phần nách lá và bên dưới lá. Ngoài việc làm cho cây lan trở nên khó coi, chúng còn hút nhựa cây và tiết ra các dịch ngọt thu hút mốc đen gây bệnh.

Rệp bông gây hại hoa lan
Một nhóm nhỏ có thể được lau sạch bằng vải ướt hay bông thấm nước. Nếu nghiêm trọng hơn thì rất khó xử lý triệt để, biện pháp tốt nhất là sử dụng thuốc diệt côn trùng nội hấp.

 Rệp vảy

 Rệp vảy có hình dáng nhỏ, dạng đĩa tròn màu nâu thông thường bám vào mặt dưới của lá và đặc biệt dọc theo các gân lá. Chúng làm cây trở nên xấu xí và gây ra những đốm nhạt màu trên lá. Khi còn nhỏ, chúng dễ dàng bị loại bỏ bằng khăn ướt hay bông thấm nước.

Rệp vảy gây hại cho hoa lan
Khi bị nhiễm nặng, mốc đen thường xuất hiện, trong giai đoạn này việc loại trừ là rất khó. Ở đây cách đơn giản nhất để loại trừ chúng cũng như ngăn ngừa sự xâm nhiễm sau này bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng nội hấp.

Bọ trĩ

 Bọ trĩ là những côn trùng giống ruồi, có kích thước nhỏ, di chuyển rất nhanh gây hại trên hoa và lá bằng cách chích vào mô cây và hút nhựa. Chúng gây ra các đốm ánh bạc và cản trở sự phát triển bình thường của hoa và lá.

bọ trĩ gây hại trên hoa lan
Khi bị nhiễm nghiêm trọng cây bị còi và rất khó coi. Việc xử lý những côn trùng này tương đối đơn giản, chỉ việc sử dụng thuốc diệt côn trùng nội hấp phun lên cây khi phát hiện sự hiện diện của chúng. Vì đây là loài di chuyển nhiều và nhanh từ cây này sang cây khác, khi phun thuốc nên xử lý hết tất cả cây trong vườn.

Mọt ngũ cốc

 Mọt ngũ cốc - bọ cánh cứng cũng là những loài gây hại nguy hiểm. Những con bọ cánh cứng trưởng thành dài khoảng 12 mm và gây hại trên lá chủ yếu vào ban đêm. Những ấu trùng màu kem sữa của chúng với cái đầu tương đối to thích nghi tốt với vùng rễ và gây hại bằng cách ăn rễ. Những ấu trùng này ẩn trốn trong giá thể và vì vậy khi thay chậu phải kiểm tra cẩn thận giá thể trồng, đảm bảo giá thể sạch không hiện diện bất kỳ loài vật gây hại nào.

mọt ngũ cốc gây hại hoa lan
 Lá bị những con trưởng thành nhai rất dễ thấy, tuy nhiên khi ấu trùng hiện diện cũng là lúc xuất hiện triệu chứng bộ lá bị héo rủ. Lúc này sự xâm nhiễm đã rất trầm trọng. Xịt lên lá và ngâm giá thể vào trong thuốc diệt côn trùng, sau đó đặt cây vào chỗ bóng râm để chúng phục hồi, tránh tưới quá nhiều nước lên giá thể sẽ làm cho chúng thiếu thông thoáng không tốt cho sự phục hồi của cây.

 Bọ cánh cứng

 Những con mọt còn được gọi là bọ cánh cứng. Những con bọ này là những sinh vật rất nhanh nhẹn, chúng có rất nhiều loại và có khả năng xâm hại nhiều loại cây từ cây nho, dâu tây và táo cho đến các loại củ cải và bắp cải. Chúng được tìm thấy ở hầu hết các vườn cây và thường lẻn vào trong các vườn ươm, nhà kính vào ban đêm. Ngoài gây hại trên những cây nêu trên chúng còn có khả năng gây hại trên nhiều loài cây trong nhà kính như cúc lọ lem (Cineraria) và thu hải đường (Begonia).

 Rệp gỗ

 Thức ăn chính của rệp gỗ là các phần thực vật mục rữa do đó nhiều người tin rằng chúng không có gây hại trên cây còn sống. Nhưng thật sự chúng có thể ẩn núp trong chậu lan và ăn đầu rể của cây lan. Chúng thường gây hại trên những cây lan leo do chúng có thể dễ núp dưới thân cây mà cây lan bám vào hay phía sau lưng của cây lan. Nên thường xuyên kiểm tra phần lưng cây lan tựa vào cây chủ và có thể diệt rệp gỗ bằng bất cứ thuốc diệt côn trùng do chúng rất mẫn cảm với các loại thuốc diệt côn trùng.

 Sên và ốc sên

 Chúng thật sự là một hiểm họa cho các nhà trồng lan. Nền nhà kính trồng lan bằng bê tông có thể ngăn chặn được sự xuất hiện của sên, tuy nhiên nhiều con thường tìm được con đường vào bên trong bằng cách sống bên dưới nền cũng như dưới các chậu lan và sẽ bắt đầu tàn phá khi đêm xuống. Sự xuất hiện của các dấu cắn trên lá và nụ hoa cùng với các vệt nhớt dài trên cây hay trên chậu và sàn đều là dấu hiệu cho biết sự hiện diện của chúng.

ốc sên gây hại hoa lan
 Chúng thường leo lên cao và dường như hay xâm hại các cây lan leo. Các viên thuốc diệt sên nên được rải xung quanh chậu ở những nơi có xuất hiện những vết nhớt dài và dùng những đĩa cho vào một ít bia sẽ dễ dàng xác định được các ốc sên đã ăn thuốc. Ếch và cóc bên trong nhà kính cũng có thể dùng kiểm soát các con sên một cách dễ dàng.

 Vệ sinh nhà kính, vườn ươm

 Những vườn ươm, nhà kính thiếu sự chăm sóc luôn là nơi ẩn náu của những sinh vật gây hại như rệp, gián và các động vật nhiều chân.

 Rệp gỗ có thể dễ dàng loại trừ bằng cách làm vệ sinh nhà kính cẩn thận và kết hợp với việc phun thuốc diệt côn trùng.

 Gián có khả năng sống sót rất đáng nể với tập tính rất dơ bẩn và chúng thèm muốn ăn hầu hết mọi thứ mặc dù có thông tin cho rằng chúng không thích dưa leo. Chúng chủ yếu ăn vào ban đêm. Bả và một số hoá chất có thể giúp kiểm soát được loài gián này. Những con cuốn chiếu thường ăn rễ và các phần bên dưới mặt đất của cây. Chúng di chuyển chậm hơn các loại rết, những loài có một cặp chân trên mỗi đốt của cơ thể với khả năng di chuyển nhanh nhen và sống bằng cách ăn các côn trùng khác. Cuốn chiếu có hai cặp chân trên mỗi đốt của cơ thể. Chúng có thể dễ dàng xử lý bằng cách dọn sạch rác và phun thuốc diệt côn trùng.
Share this game :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Support : Games + | Facebook Covers | Btemplates
Copyright © 2013. game online tren may tinh - All Rights Reserved.
Template Design by Btemplate3s | Sponsored by LuvCover
Proudly powered by Blogger